Vài năm gần đây, diện mạo đô thị của phía Đông Hà Nội liên tục “thay da đổi thịt” với tốc độ chóng mặt. Sức bật mạnh mẽ từ những “đòn bẩy thép” trong quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đang từng bước đưa phía Đông trở thành trung tâm mới của Hà Nội, thu hút đông đảo cộng đồng cư dân văn minh quốc tế đến sinh sống và làm việc.
Sở hữu lợi thế quỹ đất dồi dào, địa hình cao ráo, hạ tầng quy hoạch rõ ràng, vị trí liền kề các quận trung tâm nội đô Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, phía Đông Hà Nội có đầy đủ lợi thế để trở thành khu vực năng động, sầm uất mới. Theo quy hoạch, khoảng cách với khu trung tâm sẽ ngày càng trở nên thuận tiện hơn với kế hoạch xây dựng những cây cầu mới cùng các tuyến đường nối vào các trục cao tốc lớn.
Dồn dập cầu mới bắc qua sông tạo trục kết nối thông suốt cho khu Đông
Ngoài các cây cầu hiện hữu như Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Thăng Long, Hà Nội sẽ có tổng cộng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong tương lai gần. Trong đó, khu Đông sẽ có 4 cây cầu nghìn tỷ: cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở.
Cụ thể, Cầu Ngọc Hồi nối đường vành đai 3.5 (Hoàng Mai) với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Gia Lâm) có tổng mức đầu tư 4.881 tỷ, quy mô 6 làn xe chạy, chiều dài 13,8km. Cầu Mễ Sở nối đường vành đai 4 (Thường Tín) với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Gia Lâm) cũng có tổng mức đầu tư dự kiến 4.881 tỷ, chiều dài 13,8km.
Đặc biệt, mới đây thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo với tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Theo đó, cây cầu này có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm); điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, Long Biên).
Ngoài 3 cây cầu trên, Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công từ năm 2020 hiện đã đạt hơn 62% tiến độ, dự kiến có thể khánh thành vào quý 3 năm sau. Đây là cây cầu nằm song song cầu Vĩnh Tuy 1, trị giá khoảng 2.538 tỷ đồng, nối điểm đầu từ đường Trần Quang Khải – Nguyễn Khoái – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) với điểm cuối giao đường Long Biên – Thạch Bàn (quận Long Biên).
Có thể nói, những cây cầu mới bắc qua sông Hồng được ví như những “đòn bẩy thép” giúp thị trường bất động sản phía Đông bứt phá bạnh mẽ. Khi đi vào hoạt động, những cây cầu này cùng với các cây cầu hiện hữu khác sẽ giúp thu hẹp khoảng cách địa lý cũng như sự phát triển giữa 2 bên bờ sông.
Trục xương sống vành đai 4 và 3,5 kết nối toàn bộ khu Đông và trung tâm
Hà Nội đang mở rộng không gian về phía Đông, trong đó nhiệm vụ trọng tâm của thành phố thời gian tới là thực hiện dự án đường vành đai 4. Dự kiến, công trình có tổng kinh phí hơn 85 nghìn tỷ đồng, đoạn qua địa phận Hà Nội dài 58,2 km; Hưng Yên dài 19,3 km; Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km.